Nếu nguyên nhân máy tính của bạn bị chậm là do RAM. Vậy trong trường hợp này nên nâng cấp dung lượng bộ nhớ hay tốc độ của RAM. Để đi tìm câu trả lời, hãy cùng bài viết phân tích nhé.
Tại sao lại cần RAM?
Nói một cách ngắn gọn, RAM là bộ nhớ lưu trữ tạm thời để bộ vi xử lý (CPU) truy cập vào, lấy dữ liệu và xử lý.
Việc sử dụng RAM thay vì bộ nhớ thứ cấp (ổ cứng) cho phép các thao tác người dùng, tác vụ được phản hồi ngay lập tức. Nếu không có RAM, mọi thao tác của bạn sẽ phải tốn một khoảng thời gian (vài giây), điều này chắc chắn sẽ khiến trải nghiệm trở nên tồi tệ hơn bao giờ hết.
Khi máy tính gặp khó khăn trong việc mở ứng dụng, có lẽ bạn cần thêm RAM. Điều này xuất phát từ việc PC phải tải các tác vụ từ RAM vào ổ cứng. Mặc dù bộ nhớ thứ cấp luôn có tài nguyên trống nhiều hơn RAM, tuy nhiên tốc độ xử lý lại chậm hơn nhiều.
Với sự phát triển không ngừng của công nghệ thì các ứng dụng, trò chơi ngày càng đòi hỏi nhiều tài nguyên RAM hơn.
Sự khác biệt giữa dung lượng và tốc độ
Dung lượng RAM có thể tính bằng megabytes (MB), gigabytes (GB), hoặc terabytes (TB). Việc tăng dung lượng RAM sẽ giúp giảm khả năng phải sử dụng đến ổ cứng để lưu trữ dữ liệu tạm thời. Từ đó PC, laptop của bạn có độ ổn định cao hơn, không gặp phải tình trạng chậm, giật lag.
Nhưng một khi đã đáp ứng đủ yêu cầu về dung lượng bộ nhớ thì vấn đề lúc này là tốc độ. Việc thêm RAM lúc này có thể không phải là cách tốt nhất để giúp máy tính của bạn chạy nhanh hơn. Thay vào đó hãy chọn những thanh RAM có tốc độ nhanh hơn, kể cả cùng dung lượng với RAM hiện tại.
Có một vài thông số kỹ thuật ảnh hưởng tới tốc độ của RAM. Tần số (xung nhịp) ảnh hưởng tới băng thông (lượng dữ liệu truyền đến và đi trong một khoảng thời gian). Độ trễ ảnh hưởng tới tốc độ phản hồi của RAM tới một yêu cầu nào đó.
Tần số được tính bằng megahertz (MHz), thông số này càng cao càng tốt. DDR4 RAM có tần số nằm trong khoảng 1600MHz và 3600MHz, trong khi đó thế hệ mới nhất DDR5 có dải tần số 3200MHz và 8400MHz.
Độ trễ là một dãy số được in trên nhãn, ví dụ: 16-18-18-38. Trái ngược với tần số thì thông số này càng thấp lại càng tốt.
Khi dung lượng bộ nhớ đã đủ, cải thiện tần số và giảm độ trễ sẽ giúp tăng hiệu năng tổng thể của máy tính. Tuy vậy, có một điều bạn cần đặc biệt lưu ý đó là băng thông RAM bị giới hạn bởi CPU. Khi đã đạt đến giới hạn, việc tăng tần số cũng không làm PC, laptop chạy nhanh hơn được nữa.
Dung lượng và tốc độ bao nhiêu là đủ?
Câu hỏi bạn cần bao nhiêu dung lượng RAM hay tốc độ RAM bao nhiêu là đủ còn tùy thuộc vào yêu cầu của bạn. Trong khi một vài năm trước thì RAM 16GB đã đáp ứng hầu hết mọi tác vụ thì ngày nay thì nhiều người đã nâng cấp lên 32GB RAM, đặc biệt khi các tác vụ của bạn liên quan đến gaming, chỉnh sửa video,…
Tuy nhiên ngày nay 16GB vẫn đủ dùng đối với nhiều người, nếu bạn không phải dân chuyên về đồ họa hay gaming thì chưa cần phải nâng cấp lên RAM 32GB.
Tốc độ RAM còn bị giới hạn bởi bo mạch chủ. Nếu bạn mua một thanh RAM 3600MHz, tuy nhiên motherboard chỉ hỗ trợ 3200MHz thì RAM của bạn chỉ hoạt động được ở xung nhịp tối đa là 3200MHz.
Việc nâng cấp từ RAM DDR4 3200MHz lên DDR4 3600MHz sẽ không mang lại sự thay đổi quá nhiều. Tuy nhiên nếu nâng cấp lên thế hệ mới (DDR5) chắc chắn sẽ giúp cải thiện đáng kể hiệu năng máy tính. Tất nhiên, bạn sẽ phải nâng cấp cả bo mạch chủ và CPU nữa.
Dung lượng với tốc độ, cái nào quan trọng hơn?
Nhìn chung, dung lượng bộ nhớ sẽ đóng vai trò quan trọng hơn tốc độ RAM. Tuy nhiên trong một số trường hợp thì tần số cũng như độ trễ lại đóng một vai trò quan trọng hơn.
Bạn cũng có thể nhận thấy sự khác biệt tùy thuộc vào hệ điều hành đang sử dụng.